Học TậpLớp 4

Tả chiếc cần trục bến cảng ngắn gọn, hay nhất

Tả chiếc cần trục bến cảng lớp 4 gồm dàn ý và 4 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 4 hay hơn.

Tả chiếc cần trục bến cảng

Bạn đang xem: Tả chiếc cần trục bến cảng ngắn gọn, hay nhất

Dàn ý Tả chiếc cần trục bến cảng (mẫu 1)

1. Mở bài

– Giới thiệu về chiếc cần trục trên bến cảng: Khái quát về chiếc cần trục: là cỗ máy thường có ở những bến cảng

2. Thân bài

– Miêu tả hình dáng và kích thước của chiếc cần trục: Cao, dài và đồ sộ

– Tả cấu tạo các bộ phận của cần trục

+ Làm hoàn toàn bằng sắt, thép

+ Bệ đỡ, trục nâng và xoay, tay cần

– Miêu tả hoạt động của cần trục:

+ Bốc xếp hàng hóa công-ten-nơ từ bến cảng lên tàu

+ Dỡ hàng hóa từ tàu xuống bến cảng

3. Kết bài

– Cảm nghĩ của em về chiếc cần trục

– Ý nghĩa của việc sử dụng cần trục

Tả chiếc cần trục bến cảng (mẫu 1)

Tại bến cảng, đồ vật nào cũng rất to và đồ sộ, chỉ có con người là nhỏ bé trong thế giới của những cỗ máy khổng lồ ấy, nào là tàu thủy, các thùng công-ten-nơ và đặc biệt là những chiếc cần trục.

Chiếc cần trục là cỗ máy cao to, khổng lồ nhất, như một người anh cả đứng hiên ngang sừng sững giữa bến cảng, có chiếc màu vàng, có chiếc màu cam lại có chiếc màu đỏ rất nổi bật. Anh cần trục này đứng vững vàng là nhờ chiếc bệ đỡ, cử động linh hoạt được là do cần và trục, toàn bộ được làm bằng sắt và thép. Bệ đỡ giống như chân trụ, có thể xoay 360o đưa chiếc cần tới chỗ các công-ten-nơ và bốc chúng lên boong tàu, chiếc trục là bộ phận nối giữa bệ và cần, trục rất cao và cần cũng rất dài, chừng khoảng 30-40 mét.Trông chiếc cần trục giống như một người khổng lồ đang nhẹ nhàng dùng cánh tay dài và khỏe của mình bốc từng chiếc hộp công-ten-nơ lên tàu.

Nhờ có chiếc cần trục mà hàng hóa được bốc lên tàu một cách dễ dàng, thuận tiện, giúp đỡ cho con người rất nhiều.

Tả chiếc cần trục bến cảng (mẫu 2)

Khi được đến tham quan bến cảng Hải Phòng, em ấn tượng nhất với những chiếc cần trục ở đây.

Chiếc cần trục được giới thiệu là cỗ máy khổng lồ và tuyệt vời nhất trong bến cảng. Và quả thực đi trên bến cảng, em phải ngước mắt lên nhìn những chiếc cần trục bởi chúng rất cao và đồ sộ như những gã khổng lồ, nổi bật giữa những chiếc xe chở hàng, máy móc tí hon. Mỗi chiếc được mặc một bộ quần áo khác nhau, có chú mặc áo màu đỏ, có anh lại thích khoác trên mình bộ cánh màu vàng nổi bật. Để điều khiển cỗ máy ấy hoạt động trơn tru, linh hoạt, chỉ cần một anh công nhân ngồi trong bệ đỡ của cần trục và điều khiển mọi hoạt động của nó. Khi bốc dỡ hàng hóa từ bến cảng lên tàu và từ tàu xuống bến cảng, chiếc cần trục cứ quay đi quay lại liên tục, nhẹ nhàng dùng chiếc cần của mình móc vào những thùng công-ten-nơ rồi nâng lên hạ xuống rất dễ dàng. Nhìn chúng làm việc nhẹ nhàng như thế nhưng ai biết đâu những thùng hàng trung bình nặng từ vài tấn đến vài chục tấn, nếu không phải máy móc, sức người khó có thể thực hiện đước.

Tả chiếc cần trục bến cảng (mẫu 3)

Bến cảng lúc nào cũng đông vui. Như một tổ ong khổng lồ ồn ào và tấp nập. Từng đoàn xe nối đuôi nhau ra, vào nhộn nhịp. Xe anh, xe em tíu tít chở hàng đến, vội vã chở hàng đi. Tất cả đều hối hả, bận rộn. Nhưng đường bệ nhất, hăng hái nhất, khỏe nhất là bác cần trục.

Như một đồ vật khổng lồ, bác cần trục xuống tấn đứng trụ như trời trồng một góc cầu cảng. Bác ngồi trên một bệ thép như một cái cồn, bệ thép kêu ro ro xoay tròn 360 độ. Tiếng bác không ầm ĩ, chỉ có cánh tay của bác thật là đặc biệt, vươn dài, vươn dài tới những con tàu viễn dương đang đậu trên bến cảng. Cánh tay ấy có những đường gân bằng dây thép xoắn to bằng bắp tay người lớn. Bàn tay bác là một cái móc hàng đồ sộ, bền chắc vô cùng. Cánh tay bác lúc vươn dài, lúc đưa sang trái, lúc đưa sang phải, thật khỏe khoắn, dẻo dai và nhịp nhàng. Hòm nhỏ, hòm to, công- ten-nơ hàng to và dài như những chiếc xe siêu trọng, bác cứ xách một tay nhẹ tênh. Những xe ô tô, những cỗ máy lớn…bác cần trục chỉ khẽ cúi xuống, vươn tay ra móc lấy sợi dây chằng coi nhẹ như không.

Anh công nhân ngồi trong ca-bin cao chót vót. Máy bộ đàm phát lệnh truyền ra. Hàng nghìn hàng vạn tấn hàng được bác cần cẩu nâng lên, đặt xuống, chuyên cần và chăm chỉ. Sớm và chiều, ngày và đêm cần mẫn bốc hàng, chuyển hàng…

Hàng chục triệu tấn hàng xuất nhập khẩu đều qua tay bác cần cẩu. Con voi đã khỏe, nhưng bác cần cẩu còn khỏe gấp hàng chục, hàng trăm lần con voi. Công trình sư nào đã thiết kế nên những chiếc cần cẩu hiện đại này? Khoa học và kỹ thuật đã tạo cho con người một sức mạnh ghê gớm.

Tả chiếc cần trục bến cảng (mẫu 4)

Bạn có từng thắc mắc chiếc cần trục trông như thế nào và chúng được đặt ở bến cảng để làm gì không? Tôi sẽ giải đáp cho bạn thắc mắc ấy.

Chiếc cần trục là một cỗ máy bằng thép cao to và cồng kềnh được hoạt động dưới bàn tay điều khiển của con người, mỗi cần trục có chiều dài trục lên đến hàng chục mét, chiếc cần giống như cánh tay vươn ra cũng vài chục mét. Cánh tay đó rất chắc khỏe, có thể nâng được những hàng hóa lên đến vài chục tấn, những chiếc công-ten-nơ được xếp ngay ngắn trên tàu là nhờ có chiếc cần trục này bốc xếp. Đặc biệt chiếc cần trục có thể linh hoạt xoay tứ phía để bốc hàng xung quanh bến cảng đưa lên tàu, nếu không có cần trục, thật khó khăn để con người đưa những chiếc thùng sắt hàng tấn và chục tấn đó lên trên boong tàu cao.

Cứ hết chuyến tàu này lại đến chuyến tàu khác, chiếc cần trục ở bến cảng giống như một anh công nhân cần mẫn và chăm chỉ bốc xếp hàng lên tàu.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 4 hay, chi tiết khác:

Đăng bởi: Trường Tiểu Học Tiên Phương

Chuyên mục: Tài Liệu Học Tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *