Học TậpLớp 2

Tiếng Việt lớp 2 trang 27,28,29,30 Bài 6: Một giờ học – Kết nối tri thức

Lời giải Tiếng Việt lớp 2 trang 27,28,29,30 Bài 6: Một giờ học sách Kết nối tri thức với cuộc sống gồm đầy đủ các phần Đọc, Nói và nghe, Nghe – Viết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 2 Tập 1. Mời các bạn theo dõi:

Tiếng Việt lớp 2 Tập 1 trang 27,28,29,30 Bài 6: Một giờ học

Đọc: Một giờ học

Bạn đang xem: Tiếng Việt lớp 2 trang 27,28,29,30 Bài 6: Một giờ học – Kết nối tri thức

Tiếng Việt lớp 2 Tập 1 trang 27 Khởi động:

Câu 1: Nói về việc làm của em được thầy cô khen.

Phương pháp giải:

Em tự liên hệ bản thân mình để trả lời.

Lời giải:

Những việc làm của em được thầy cô khen đó là: Được điểm tốt, tiến bộ trong học tập, chấp hành tốt nội quy của trường lớp, hăng hái phát biểu xây dựng bài, giúp đỡ bạn bè,….

Câu 2: Em cảm thấy thế nào khi được thầy cô khen?

Phương pháp giải:

Em tự liên hệ bản thân mình để trả lời.

Lời giải:

Khi được thầy cô khen, em cảm thấy rất vui.

Tiếng Việt lớp 2 Tập 1 trang 27 Bài đọc:

MỘT GIỜ HỌC

Thầy giáo nói: “Chúng ta cần học cách giao tiếp tự tin. Vì thế hôm nay chúng ta sẽ tập nói trước lớp về bất cứ điều gì mình thích.”.

Quang được mời lên nói đầu tiên. Cậu lúng túng, đỏ mặt. Quang cảm thấy nói với bạn bên cạnh thì dễ, nhưng nói trước cả lớp thì sao mà khó thế. Thầy bảo: “Sáng nay ngủ dậy, em đã làm gì? Em cố nhớ xem.”.

Quang ngập ngừng, vừa nói vừa gãi đầu: “Em…”.

Thầy giáo nhắc: “Rồi gì nữa?”.

Quang lại gãi đầu: “À… ờ… Em ngủ dậy.”. Và cậu nói tiếp: “Rồi… ờ…”.

Thầy giáo mỉm cười, kiên nhẫn nghe Quang nói. Thầy bảo: “Thế là được rồi đấy!”.

Nhưng Quang chưa chịu về chỗ. Bỗng câu nói to: “Rồi sau đó… ờ… à…”. Quang thở mạnh một hơi rồi nói tiếp: “Mẹ… ờ… bảo: Con đánh răng đi. Thế là em đánh răng.”. Thầy giáo vỗ tay. Cả lớp vỗ tay theo. Cuối cùng, Quang nói với giọng rất tự tin: “Sau đó bố đưa em đi học.”.

Thầy giáo vỗ tay. Các bạn vỗ tay theo. Quang cũng vỗ tay. Cả lớp tràn ngập tiếng vỗ tay.

(Theo Tốt-tô-chan, cô bé bên cửa sổ)

Từ ngữ

– Lúng túng: không biết nói hoặc làm như thế nào.

– Kiên nhẫn: tiếp tục làm việc đã định mà không nản lòng.

Tiếng Việt lớp 2 Tập 1 trang 28 Trả lời câu hỏi:

Câu 1: Trong giờ học, thầy giáo yêu cầu cả lớp làm gì?

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn văn thứ nhất, chú ý lời thầy giáo nói.

Lời giải:

Trong giờ học, thầy giáo yêu cầu học sinh tập nói trước lớp về bất kì điều gì mình thích để học cách giao tiếp tự tin.

Câu 2: Vì sao lúc đầu Quang lúng túng?

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn văn thứ hai và trả lời câu hỏi

Lời giải:

Lúc đầu Quang lúng túng là bởi vì Quang thiếu tự tin trước mọi người.

Câu 3: Theo em, điều gì khiến Quang trở nên tự tin?

Phương pháp giải:

Em đọc lại bài và chú ý những hành động của thầy giáo và cả lớp khi Quang đang nói.

Lời giải:

Quang trở nên tự tin hơn là do có thầy giáo và các bạn trong lớp kiên nhẫn lắng nghe và động viên bạn ấy tiếp tục phần nói của mình.

Câu 4: Khi nói trước lớp, em cảm thấy thế nào?

Phương pháp giải:

Em tự trả lời theo suy nghĩ của bản thân.

Lời giải:

Khi nói trước lớp, em cảm thấy khá hồi hộp và bối rối. Nhưng luyện tập nhiều lần, dần dần em đã cảm thấy tự tin hơn khi nói trước lớp.

Tiếng Việt lớp 2 Tập 1 trang 28 Luyện tập dựa vào văn bản đọc

Câu 1: Tìm những câu hỏi có trong bài đọc. Đó là câu hỏi của ai dành cho ai?

Phương pháp giải:

Câu hỏi là câu đưa ra lời thắc mắc cần giải đáp về một vấn đề nào đó. Cuối câu hỏi thường có dấu chấm hỏi.

Lời giải:

Những câu hỏi có trong bài là:

– Sáng nay ngủ dậy, em đã làm gì?

– Rồi gì nữa?

=> Đó là những câu hỏi của thầy giáo dành cho Quang

Câu 2: Đóng vai các bạn và Quang, nói và đáp lời khen khi Quang trở nên tự tin.

Phương pháp giải:

Em làm theo yêu cầu của bài học.

Lời giải :

Đóng vai bạn của Quang, nói và đáp lời khen:

Bạn: Quang ơi, hôm nay cậu đã tự tin hơn rất nhiều, cậu nói tốt lắm!

Quang: Cảm ơn bạn nhé! Mình sẽ cố gắng hơn nữa!

Ghi nhớ:

– Nội dung chính: Sự thay đổi từ rụt rè, xấu hổ đến tự tin hơn để thể hiện bản thân mình trong một giờ học.

– Liên hệ: Chúng ta cần chăm chỉ học tập, rèn luyện bản thân mình để có thể tự tin khi đứng trước đông người và thể hiện bản thân mình.

Viết: Nghe – viết: Một giờ học

Tiếng Việt lớp 2 Tập 1 trang 28 Câu 1: Nghe – viết:

Một giờ học

Đúng là nói trước cả lớp thì chẳng dễ chút nào. Lúc đầu, Quang còn ngượng nghịu. Nhưng nhờ thầy giáo và các bạn động viên, Quang đã tự tin hơn và nói một cách lưu loát.

Tiếng Việt lớp 2 Tập 1 trang 29 Câu 2: Tìm các chữ cái còn thiếu trong bảng. Học thuộc tên các chữ cái:

Phương pháp giải:

Em quan sát cột thứ 3, đọc tên các chữ cái rồi điền chữ cái tương ứng sang cột thứ 2.

Lời giải:

Tiếng Việt lớp 2 Tập 1 trang 29 Câu 3: Sắp xếp tên các bạn dưới đây theo đúng thứ tự trong bảng chữ cái. Viết lại tên các bạn theo thứ tự đã sắp xếp:

Phương pháp giải:

Em quan sát chữ cái đầu tiên trong tên các bạn, rồi sắp xếp các chữ đó theo thứ tự bảng chữ cái đã học ở bài 2.

– Sơn: chữ S

– Xuân: chữ X

– Quân: chữ Q

– Tuấn: chữ T

– Vân: chữ V

Lời giải:

Sắp xếp tên các bạn theo thứ tự bảng chữ cái:

Quân – Sơn – Tuấn – Vân – Xuân

Luyện tập

Tiếng Việt lớp 2 Tập 1 trang 29 Luyện từ và câu

Câu 1: Những từ nào dưới đây chỉ đặc điểm?

Phương pháp giải:

Từ chỉ đặc điểm là những từ chỉ màu sắc, hình dáng, kích thước, tính chất, điểm riêng biệt của một sự vật nào đó.

Lời giải:

Những từ chỉ đặc điểm là: mượt mà, sáng, bầu bĩnh, cao, đen láy, đen nhánh.

Câu 2: Ghép các từ ngữ ở bài tập 1 để tạo câu nêu đặc điểm:

M: Đôi mắt đen láy.

Phương pháp giải:

Em hãy ghép một từ chỉ sự vật với từ chỉ đặc điểm phù hợp để tạo thành câu nêu đặc điểm.

Lời giải:

– Khuôn mặt bầu bĩnh.

– Vầng trán cao.

– Mái tóc đen nhánh.

– Đôi mắt đen láy.

– Đôi mắt sáng.

Câu 3: Đặt một câu nêu đặc điểm ngoại hình của một bạn trong lớp em.

Phương pháp giải:

Em quan sát một bạn trong lớp và đặt một câu để nêu lên một đặc điểm về ngoại hình của bạn đó

Ví dụ: mái tóc, khuôn mặt, dáng người,…

Lời giải :

– Tóc của bạn Lan dài và đen nhánh.

– Mũi của bạn Bình thẳng và cao.

– Đôi mắt của Ngọc đen láy.

– Đôi má của Linh trắng hồng.

– Bạn Thắng có dáng người cao gầy.

Tiếng Việt lớp 2 Tập 1 trang 29 Luyện viết đoạn

Câu 1: Nói về các hoạt động của bạn nhỏ trong tranh:

G:

– Bạn nhỏ làm những việc gì?

– Theo em, bạn nhỏ làm những việc đó trong thời gian nào?

– Còn em, trước khi đi học, em thường tự làm những việc gì?

Phương pháp giải:

Em quan sát các bức tranh và nói dựa vào những gợi ý của bài.

Lời giải:

– Bạn nhỏ thức dậy, đánh răng rửa mặt, ăn sáng rồi đi học.

– Theo em, bạn nhỏ làm những việc đó vào buổi sáng.

– Còn em, trước khi đi học em thường: thức dậy, gấp chăn màn, đánh răng rửa mặt, ăn sáng, thay quần áo rồi đi học.

Câu 2: Viết 3 – 4 câu kể về những việc em thường làm trước khi đi học.

Phương pháp giải:

Em dựa vào những gì đã viết ở bài tập 1.

Lời giải:

* Bài tham khảo 1:      

Sáng nào cũng vậy, em thường thức dậy lúc 6 giờ sáng. Em nhanh chóng gập chăn màn gọn gàng rồi tập vài động tác thể dục đơn giản. Sau đó em sẽ đi đánh răng rửa mặt. Lúc này mẹ cũng đã nấu bữa sáng xong, em sẽ ngồi vào bàn ăn bữa sáng. Rồi trở về phòng, em sẽ mặc quần áo rồi đeo cặp sách và xuống nhà chờ mẹ. Chúng em bắt đầu học lúc 7 rưỡi nên cứ 7h mẹ sẽ đèo em tới trường học.

* Bài tham khảo 2:

Mỗi buổi sáng, mẹ sẽ đánh thức em dậy lúc 6 giờ 30 phút. Em nhanh chóng xuống giường và vệ sinh cá nhân. Sau đó, em xuống ăn bữa sáng do mẹ chuẩn bị sẵn. Ăn xong, em trở lại phòng thay đồng phục, đeo cặp sách và xuống nhà đợi bố đưa đi học.

Đọc mở rộng Về chủ đề Trẻ em làm việc nhà

Tiếng Việt lớp 2 Tập 1 trang 30 Câu 1: Tìm đọc một bài thơ hoặc câu chuyện viết về trẻ em làm việc nhà.

Phương pháp giải:

Em có thể tìm đọc ở sách, báo hoặc hỏi bố mẹ

Lời giải:

Tham khảo:

Giúp mẹ

Hôm nay chủ nhật
Được nghỉ ở nhà
Em giúp mẹ cha
Nhặt rau quét dọn.

Áo quần xếp gọn
Dỗ bé cùng chơi
Cha mẹ vui cười
Khen con ngoan quá!

Đôi bàn tay bé

    Nguyễn Lam Thắng

Đôi bàn tay bé xíu
Lại siêng năng nhất nhà
Hết xâu kim cho bà
Lại nhặt rau giúp mẹ

Đôi bàn tay be bé
Nhanh nhẹn ai biết không?
Chiều tưới cây cho ông
Tối chép thơ tặng bố

Đôi bàn tay bé nhỏ
Bế em (mẹ vắng nhà)
Đôi tay biết nhường quà
Dỗ dành khi em khóc

Đôi bàn tay bé nhóc
Điểm mười giành lấy ngay
Phát biểu xây dựng bài
Và nổi danh múa dẻo

Đôi bàn tay bé khéo
Mười ngón mười bông hoa.

Tiếng Việt lớp 2 Tập 1 trang 30 Câu 2: Đọc cho các bạn nghe một đoạn em thích.

Phương pháp giải:

Chọn đoạn thơ hoặc mẩu truyện em thích nhất để đọc và kể lại cho các bạn nghe

Lời giải:

Tớ thích nhất đoạn thơ này trong bài thơ Giúp mẹ:

Áo quần xếp gọn
Dỗ bé cùng chơi
Cha mẹ vui cười
Khen con ngoan quá!

Đăng bởi: Trường Tiểu Học Tiên Phương

Chuyên mục: Tài Liệu Học Tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Kênh https://xoilaczzh.tv/ trực tiếp bóng đá