Tiểu sử

Tiểu sử Ngô Văn Sở – Cuộc đời của Ngô Văn Sở

Ngô Văn Sở

Tượng thờ Đại tư mã Ngô Văn Sở trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt (Bảo tàng Quang Trung, Bình Định)

Ngô Văn Sở (chữ Hán: 吳文楚, ? – 1795), còn có tên là Ngô Hồng Chấn, Ngô Văn Tàng; là một danh tướng của nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam.

Bạn đang xem: Tiểu sử Ngô Văn Sở – Cuộc đời của Ngô Văn Sở

Thân thế và sự nghiệp

Ông sinh trưởng tại Bình Khê, Quy Nhơn (nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).

Tổ tiên ông là người ở Trảo Nha, huyện Thiên Lộc (nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) di cư vào huyện Tây Sơn lúc nào chưa rõ .

Thuở trai trẻ ông học võ với Đô thống Ngô Mạnh, tức bạn đồng môn với Bùi Thị Xuân.

Gian lao với phong trào Tây Sơn

Năm 1771, ba anh em Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ cùng khởi binh, Ngô Văn Sở đến đầu quân ngay từ buổi đầu. Theo GS. Nguyễn Khắc Thuần, thì sau đó ông tham gia đánh nhau với quân Nguyễn tại Quy Nhơn (1773).

Năm 1775, ông lại theo Nguyễn Huệ và rồi cùng đánh tan hơn hai vạn quân Nguyễn do tướng Tống Phúc Hiệp ở Phú Yên.

Kể từ lúc ấy, Ngô Văn Sở trở thành một trong những tướng lĩnh cao cấp của Bộ chỉ huy quân Tây Sơn. Và ông đã có mặt trong trận tấn công vào Phú Xuân (1786), vượt sông Gianh đánh ra Bắc Hà (1786), diệt Nguyễn Hữu Chỉnh (1787), diệt Vũ Văn Nhậm (1788).

Sau đó, ông được Nguyễn Huệ phong làm Đại tư mã thống lĩnh quân đội, tổng quản công việc ở Bắc Hà. Cùng tham gia Bộ chỉ huy này còn có các Đô đốc như Võ Văn Dũng, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Tuyết và các văn thần, mà nổi bật là Ngô Thì Nhậm.

Năm 1788, vua Lê Chiêu Thống dẫn nhiều vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy vào xâm lược Việt Nam. Sau khi bàn bạc với các cộng sự, Ngô Văn Sở đem quân rút về phòng tuyến Tam Điệp để bảo toàn lực lượng.

Được tin cấp báo, ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (21 tháng 12 năm 1788) Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung. Ngay sau khi làm lễ đăng quang tại núi Bân (Phú Xuân), nhà vua trực tiếp mang đại quân ra Bắc để đánh đuổi quân xâm lược.

Trong chiến dịch phản công này, Đại tư mã Ngô Văn Sở được ở bên cạnh vua Quang Trung để cùng chỉ huy đạo quân chủ lực đánh vào hai thành trì quan trọng của đối phương, đó là Hà Hồi và Ngọc Hồi.

Nhờ lập nhiều công lao, nên khi xét thưởng ông được nhà vua phong tới tước Ích Quốc công, và được cử làm Trấn thủ Thăng Long sau khi quân Thanh cùng vua quan nhà Lê rút chạy.

Tháng 1 năm 1790, Ngô Văn Sở lãnh giao nhiệm vụ đưa phái đoàn của giả vương Phạm Công Trị sang nhà Thanh.

Năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời, Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi (tức Cảnh Thịnh), thì Ngô Văn Sở được thăng chức Đại đổng lý, tước Quận công, và vẫn ở giữ Bắc Hà.

Do nhà vua còn nhỏ, quyền hành nhanh chóng rơi vào tay người cậu vua là Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Kể từ đó, triều đình Tây Sơn sinh ra lục đục mãi.

Nội bộ lục đục, bị dìm chết

Trong một cuộc đấu tranh nội bộ nơi vương triều, Đại đô đốc Võ Văn Dũng đã sai quân bắt cha con Bùi Đắc Tuyên hạ ngục. Cho rằng Ngô Văn Sở là người cùng phe cánh với Đắc Tuyên, Võ Văn Dũng đã làm giả chiếu vua triệu ông về Phú Xuân. Theo tài liệu của các giáo sĩ phương Tây có mặt tại Phú Xuân lúc bấy giờ cho biết: Bùi Đắc Tuyên muốn đổ vua Cảnh Thịnh, thanh trừng các công thần Tây Sơn để đưa con mình là Bùi Đắc Trụ lên làm vua, lập Ngô Văn Sở lên làm chúa . Còn theo danh sĩ Nguyễn Trọng Trì (1854-1922) thì Ngô Văn Sở không phải là người có nhiều tham vọng . Cho nên ông tự nguyện đi theo Bùi Đắc Tuyên hay bị viên Thái sư này gán ép (để tạo thanh thế), hoặc bị tướng Võ Văn Dũng vu oan (nhằm loại trừ một thế lực), cần phải tìm hiểu thêm.

Ngô Văn Sở và hai cha con Bùi Đắc Tuyên bị nhốt vào cũi sắt, đem xuống sông Hương dìm chết. Đó là năm 1795.

Nhận xét

Năm 1788, sau khi Vũ Văn Nhậm bị giết chết, Ngô Văn Sở được giao nhiệm cai quản Bắc Hà. Trong buổi trao quyền, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã tuyên bố rằng: (Ngô Văn) Sở và (Phan Văn) Lân đều là nanh vuốt của ta . Điều này cho thấy tài năng của ông và sự tin cậy của cấp trên đối với ông.

Trong sách Tây Sơn lương tướng ngoại truyện của Nguyễn Trọng Trì cũng có đoạn chép về Ngô Văn Sở như sau:

Ngô Văn Sở làm quan không cầu danh lợi tiếng tăm, lúc nào cũng muốn tránh quyền thế. Thường ngày, (ông) yêu kính quân tử mà vẫn giữ lòng thương xót tiểu nhân. Ông cùng với Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng và Bùi Thị Xuân đều là danh tướng, được người đương thời gọi là Tứ kiệt .

Trùng tên

Cùng thời với ông có tướng Ngô Văn Sở quê ở Gia Định gốc Thừa Thiên, từng theo quân Tây Sơn làm đến chức đô úy, sau đầu hàng, năm Kỷ Mùi (1799) theo Võ Tánh trấn giữ thành Bình Định. Nhà nghiên cứu về Huế Nguyễn Đắc Xuân cũng lầm tưởng hai ông là một, nên đã viết như sau: :

…Lịch sử 26 năm kháng chiến ấy tỏ rõ đức nhẫn nại, giàu ý chí không sợ gian khổ hiểm nguy, hoạn nạn, không ngã lòng, cố kết được nhân tâm, biết thu phục kẻ đối địch như Lê Chất, Ngô Văn Sở… để phục vụ cho sự nghiệp của mình…” (tr. 69, phần nhận xét về vua Gia Long)
…Bà hoàng được vua Minh Mạng sủng ái nhất là bà Hiền Phi Ngô Thị Chính – con gái của Đại tư mã Ngô Văn Sở nổi tiếng thời Quang Trung (về sau theo vua Gia Long). Ông có với bà Ngô Thị Chính 9 người con (5 Hoàng tử và 4 Hoàng nữ)…” (trang 95)

Xem thêm

  • Nguyễn Huệ
  • Võ Văn Dũng
  • Bùi Đắc Tuyên
  • Trần Văn Kỷ
  • Phòng tuyến Tam Điệp

Chú thích

  1. ^ Năm sinh Ngô Văn Sở, nhiều sách đều ghi không rõ. TS. Đinh Văn Liên ghi Ngô Văn Sở sinh năm 1764, nhưng không cho biết căn cứ vào nguồn nào (Bình Định: Đất võ trời văn. Nhà xuất bản Trẻ, 2008, tr. 444).
  2. ^ Theo GS. Nguyễn Khắc Thuần, Danh tướng Việt Nam (tập 3), tr. 284.
  3. ^ Theo bài viết của GS. Đỗ Bang trong Danh nhân Bình Trị Thiên, tr 92.
  4. ^ aăDẫn lại theo Danh tướng Việt Nam (tập 3), tr. 284.
  5. ^ Đại Nam chính biên liệt truyện (Sơ tập, quyển 30). Dẫn lại theo Danh tướng Việt Nam (Tập 3), tr. 285.
  6. ^ Nguyễn Đắc Xuân, “Chín đời chúa mười ba đời vua Nguyễn”, Nhà xuất bản Thuận Hoá – Huế, 1998.

Sách tham khảo

  • Quách Tấn-Quách Giao, Nhà Tây Sơn. Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) xuất bản, 2002.
  • Trịnh Vân Thanh, Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển (quyển 2). Nhà xuất bản Hồn Thiêng, Sài Gòn, 1967.
  • Nguyễn Đắc Xuân, Chín đời chúa mười ba đời vua Nguyễn, Nhà xuất bản Thuận Hoá – Huế, 1988.
  • Nhiều tác giả, Danh nhân Bình Trị Thiên (tập I), Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1986.
  • TS. Đinh Văn Liên, Bình Định: Đất võ trời văn. Nhà xuất bản. Trẻ, 2008.
  • Nguyễn Khắc Thuần, Danh tướng Việt Nam (tập 3). Nhà xuất bản Giáo dục, 2005.
  • Nguyễn Q. Thắng & Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản KHXH, Hà Nội, 1992.

(Nguồn: Wikipedia)

Đăng bởi: Trường Tiểu Học Tiên Phương

Chuyên mục: Tiểu sử

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *