Học TậpLớp 8

Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi lớp 8 HAY NHẤT

Thầy cô xin giới thiệu bài văn mẫu Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi Ngữ văn 8 Kết nối tri thức gồm dàn ý và các bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 8 hay hơn.

Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi

Đề bài: Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (ý thức trách nhiệm với cộng đồng của học sinh)

Bạn đang xem: Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi lớp 8 HAY NHẤT

Dàn ý Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi

1. Trước khi thảo luận

– Từng thành viên trong lớp cần nêu vấn đề theo góc nhìn của mình, tập thể lớp trao đổi, thống nhất chọn một vấn đề trong đời sống phù hợp với tuổi, được nhiều người quan tâm làm đề tài cho cuộc thảo luận. Có thể xem lại các đề tài đã gợi ý ở phần Viết, hoặc tham khảo thêm một số đề tài sau để lựa chọn:

   + Học sinh có cần quan tâm đến những vấn đề lớn lao của đất nước?

   + Học sinh có trách nhiệm như thế nào với vấn đề trật tự an toàn giao thông?

   + Học sinh cần làm gì để góp phần giữ gìn tiếng nói của dân tộc?

– Sau khi thống nhất đề tài, mỗi cá nhân tự tìm hiểu, tham khảo thêm những tài liệu có liên quan, ghi chép nhanh các ý nảy sinh trong quá trình suy nghĩ để chuẩn bị phát biểu ý kiến thảo luận.

– Lớp cử một người điều hành thảo luận đảm nhận sắp xếp, giới thiệu tuần tự các ý kiến, định hướng vào trọng tâm đề tài, kiểm soát thời gian phát biểu ý kiến của từng người; tổ chức đánh giá, tổng kết cuộc thảo luận.

– Cử một thư kí ghi chép các ý kiến trong cuộc thảo luận.

2. Thảo luận

– Người điều hành nhắc lại đề tài, nêu định hướng và mục đích thảo luận.

– Theo định hướng của người điều hành, các thành viên trong lớp lần lượt phát biểu ý kiến. Ý kiến cần tập trung vào trọng tâm vấn đề, phân tích từng khía cạnh, có lí lẽ và bằng chứng để thuyết phục người nghe.

– Người phát biểu sau có thể bàn luận về vấn đề theo góc nhìn riêng, tán thành hay phản đối ý kiến của người phát biểu trước, trên cơ sở đó, khẳng định quan điểm của mình.

– Các thành viên tham gia thảo luận cần nắm được nội dung chính mà nhóm đã trao đổi và trình bày lại được nội dung các ý kiến đó.

– Thư kí ghi chép các ý kiến, người điều hành dựa vào đó tổng hợp, kết luận về vấn đề. Tùy thực tế cuộc thảo luận, người điều hành có thể khẳng định sự đồng thuận của các ý kiến hoặc khái quát các nhóm ý kiến khác nhau. Mục đích cuối cùng là để mọi người hiểu sâu sắc hơn về bản chất vấn đề và có thái độ, hành động phù hợp.

3. Sau khi thảo luận

– Vấn đề đời sống được thảo thực sự có ý nghĩa không, có tác động gì đến nhận thức của bản thân?

– Các ý kiến phát biểu đã tập trung vào trọng tâm của vấn đề chưa, có tác dụng làm sáng tỏ vấn đề như thế nào?

– Các thành viên tương tác với nhau ở mức độ nào, có thể hiện thái độ tôn trọng, học hỏi nhau trong thảo luận không?

– Người điều hành và thư kí đã thể hiện đúng vai trò của mình chưa?

Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi lớp 8 HAY NHẤT (ảnh 1)

Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi – Mẫu 1

Trong cuộc sống hằng ngày, ai cũng biết rằng tuổi trẻ là một thành phần, yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến tương lai đất nước, vì thế mà Bác đã căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước đến đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các em”. Chúng ta cùng tìm hiểu vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ ngay nay với tương lai đất nước dân tộc.

Tuổi trẻ là những công dân ở lứa thành niên, thanh niên… là thế hệ măng đã sắp thành tre, là người đã đủ điều kiện, đủ ý thức để nhận biết vai trò của mình đối với bản thân, xã hội. Tuổi trẻ của mỗi thời đại là niềm tự hào dân tộc, là lớp người tiên phong trong công cuộc xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước.

Tương lai đất nước là vận mệnh, là số phận của đất nước mà mỗi công dân sẽ góp phần xây dựng, phát triển, trong đó quan trọng nhất là thế hệ trẻ.

Thế kỉ 21, thế kỉ của sự phát triển, không ngừng nâng cao trình độ văn hoá kinh tế, đất nước. Để có thể bắt kịp đà phát triển của những nước lớn mạnh thì đòi hỏi sự chung sức đồng lòng của tất cả mọi người mà lực lượng chủ yếu là tuổi trẻ. Bởi đó là lực lượng nòng cốt, là chủ nhân tương lai, là nhân vật chính góp phần tạo nên cái thế, cái dáng đứng cho non sông Tổ quốc.

Tuổi trẻ hôm nay là tôi, là bạn, là những anh chị đang có mặt trên giảng đường đại học, đang hoạt động bằng cả tâm huyết để cống hiến sức trẻ với những đam mê cùng lòng nhiệt tình bốc lửa. Tuổi trẻ tốt thì xã hội tốt, còn xã hội tốt sẽ tạo điều kiện cho tầng lớp trẻ phát triển toàn diện, sinh ra những người con có ích cho đất nước, đó là điều tất yếu, hiển nhiên mà ai cũng biết.

Mỗi người chúng ta cũng đi qua thời tuổi trẻ – tuổi của sức mạnh phi thường, của cái tuổi không chịu khuất phục trước khó khăn và sẵn sàng hi sinh vì nghĩa lớn. Sức mạnh vô song của tuổi trẻ “sông kia phải chuyển, núi kia phải dời”. Chúng ta chỉ có một lần trong đời là tuổi trẻ vì vậy cần phải nắm bắt, cần đóng góp sức lực cho đất nước.

Việc xây dựng đất nước là trách nhiệm của mọi người, mọi công dân chứ không phải của riêng ai. Nhưng với số lượng đông đảo hàng chục triệu người thì lẽ nào tuổi trẻ lại không thể xây dựng đất nước. Chẳng lẽ chúng ta để cho những cụ già đi khuân vác, lao động nặng, những phụ nữ phải ngày đêm làm việc trong các nhà xưởng đầy khói bụi, những trẻ em phải phụ giúp gia đình ngay còn nhỏ mà “quên” đi việc học hành, lúc đó chúng ta sẽ “làm” gì? Chẳng lẽ ngồi không như một “người bị liệt”. Vì vậy chúng ta phải cố gắng xây dựng đất nước như lời dặn của Bác: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, thì Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Sinh ra ở đời ai cũng khao khát được sống hạnh phúc, sung sướng. Mỗi người luôn tìm cho mình một lẽ sống hay nói đúng hơn là lý tưởng sống. Là chủ nhân tương lai thì chúng ta phải xác định cho mình lý tưởng sống phù hợp, đúng đắn. Trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá như hiện nay thì tuổi trẻ chúng ta lại đứng trước một câu hỏi lớn: “Sống như thế nào là đúng đắn là có ích cho xã hội?”. Vì lý tưởng sống của chúng ta là động lực thúc đẩy đất nước phát triển.

Và thời nào cũng vậy, thế hệ trẻ luôn là lực lượng tiên phong, xông pha vào những nơi gian khổ mà không ngại khó. Điều đó đã được thể hiện rất rõ trong thời kì kháng chiến. Những người con đất nước như: Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám… đã hiến dâng cả tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc. Đây là những thanh niên của hơn 40 năm trước còn lớp thanh niên ngày nay thì sao?

Vâng. Cách bạn ạ! Chúng ta nên biết một điều: những thế hệ trước đã dâng hiến xương máu để ngày sau độc lập thì chúng ta phải biết “cùng nhau giữ nước” và nối tiếp, kế thừa truyền thống cao đẹp đó. Và một điều quan trọng là các bạn đừng nghĩ đó là nghĩa vụ để rồi miễn cưỡng thực hiện. Chúng ta phải hiểu rằng: được sinh ra là một hạnh phúc và sống tự do, no đủ là một món quà quý báu, vô giá mà quê hương xã hội đã ban tặng. Hạnh phúc không tự nhiên mà có mà đó xương máu, tâm huyết của biết bao người con của đất nước. Mỗi thời đại, mỗi hoàn cảnh lịch sử mà thanh niên nuôi dưỡng những ước vọng, suy nghĩ riêng. Chúng ta không được bác bỏ, phủ nhận quá khứ hay công sức của những anh hùng dân tộc. Đơn giản là vì mỗi thế hệ đều có sứ mệnh riêng, nhận thức riêng mà chúng ta không nên so bì, tính toán. Vì vậy: “Không có chuyện lớp trẻ ngày nay quay lưng với quá khứ” (như tổng bí thư Đỗ Mười nói).

Nhưng tuổi trẻ chúng ta có điều kiện gì để xây dựng đất nước? Vâng, đó chính là học tập. Nói đến tuổi trẻ hôm nay là nói đến việc học hành… Trong cuộc sống ta gặp không ít trường hợp xem việc học là việc khổ sai chỉ do cha mẹ, thầy cô thúc ép, chứ không ham học. Họ xem đi học như một hình thức giải khuây cho vui nên không cần học tập, coi học tập là một nỗi nhọc nhằn. Có người lại coi việc học là để ứng phó với đời, để không xấu hổ với mọi người, để có “bằng cấp” mà hãnh diện với đời, dù đó chỉ là “hàng giả” mà thực lực không làm được. Chúng chẳng những không đưa nước ta “sánh kịp với cường quốc năm châu” mà còn đưa nước ta về lạc hậu, lụi bại.

Cách duy nhất là phải học chân chính, học bằng khả năng của mình. Bước vào thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì ai nắm được tri thức thì mới có thể xây dựng đất nước, lèo lái chiếc thuyền số phận của non sông Tổ quốc. Và nhiệm vụ của chúng ta phải học, học nữa, học mãi. Nhà nước phải tạo mọi điều kiện để chúng ta dễ dàng tiếp cận tri thức thì tương lai dân tộc mới xán lạn, lấp lánh hào quang.

Tóm lại, tuổi trẻ là người sẽ quyết định tương lai đất nước sau này. Tuổi trẻ nước ta đầy rẫy nhân tài sẽ góp phần cho dáng hình xứ sở. Ngay từ hôm nay, tôi, bạn và tất cả mọi người phải cố gắng học tập để sau này có thể giúp nước ta tiến nhanh trên con đường xây dựng và phát triển nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.

Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi lớp 8 HAY NHẤT (ảnh 2)

Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi – Mẫu 2

Cùng với quá trình hội nhập thế giới, sự giao thoa văn hóa xã hội đòi hỏi ngôn ngữ phải có những thay đổi để đáp ứng các nhu cầu giao tiếp mới. Từ khi nước ta bắt đầu hội nhập thì ngôn ngữ cũng dần dần xuất hiện những hiện tượng mới mẻ. Những từ ngữ mới, cách diễn đạt mới được hình thành để thêm vào những khái niệm, ngữ nghĩa mà trong vốn tiếng Việt trước đó còn thiếu vắng. Cùng với mặt tích cực ấy, mặt tiêu cực cũng biểu hiện với không ít các cách nói, cách viết “khác lạ” trong giới trẻ làm mất đi hoàn toàn bản sắc vốn có của tiếng Việt.

Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người và xã hội loài người, đảm bảo một mặt truyền đạt và hiểu biết lẫn nhau của các thành viên xã hội. Ngôn ngữ không chỉ truyền đạt thông tin mà còn tác động đến nhân cách, hình thành nhân cách và biến đổi theo chiều hướng tốt hoặc xấu. Ngôn ngữ không chỉ là tấm gương phản chiếu thụ động đời sống xung quanh mà còn can thiệp vào bức tranh thế giới nhân cách, vào văn hóa ngôn ngữ của nó, đặt vào nó nhãn quan thế giới, chỉnh sửa, làm biến đổi nhân cách một cách hợp lý.

Vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong giai đoạn hiện nay đã trở thành vấn đề cấp bách, cần sự chung tay của các lực lượng xã hội. Chủ thể của nhận thức và hành động, giới trẻ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc góp phần giữ gìn sự trong sáng và giàu đẹp của tiếng Việt trên cơ sở “kế thừa và phát huy truyền thống đi đôi với việc sáng tạo những giá trị mới phù hợp với tinh thần thời đại…”.


Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi – Mẫu 3

Trong xã hội hiện đại, khi mà chủ nghĩa cá nhân đang lên ngôi. Thì những vấn đề về sống có ý thức cộng đồng thực sự khiến mỗi người chúng ta phải suy nghĩ.

Trước hết, ý thức là một khái niệm khá trừu tượng và chỉ có ở con người. Hiểu một cách đơn giản, ý thức là sự nhận thức trực tiếp tức thời về hoạt động tâm lý của bản thân; sự nhận thức rõ ràng về việc mình đang làm, đang nghĩ. Có hai loại ý thức là ý thức cá nhân và ý thức cộng đồng. Ý thức cá nhân thiên về những suy nghĩ của riêng từng người, phân biệt giữa người này với người khác. Còn ý thức cộng đồng là phần nhận thức về các giá trị chung, theo chuẩn mực đạo đức, mà mọi người có trách nhiệm tuân thủ, hướng đến một xã hội văn minh tốt đẹp. Ý thức cộng đồng chính là thước đo đánh giá đạo đức, phẩm chất của một con người. Người có ý thức cộng đồng cao sẽ gây được thiện cảm cho những người xung quanh thông qua những hành động đẹp, từ đó có được lòng tin và niềm yêu thương của mọi người.

Vậy biểu hiện của một con người sống có ý thức cộng đồng là gì? Một người sống có ý thức cộng đồng trước hết phải thực hiện tốt những quy định chung của cộng đồng (cơ quan, tổ chức hay rộng hơn là cả một đất nước). Đồng thời luôn giữ được thái độ tôn trọng và yêu mến, đối xử bình đẳng với mọi người xung quanh. Cùng với đó là tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tự nhiên. Sống trong một tập thể, mỗi người nên hạ thấp cái tôi cá nhân, hòa nhập với mọi người xung quanh bằng lòng chân thành và thấu hiểu. Nhưng không phải là không dám khẳng định chính kiến của bản thân. Hòa nhập nhưng vẫn giữ được bản sắc cá nhân.

Trong xã hội hiện đại, việc có ý thức cộng đồng sẽ thể hiện đạo đức của bạn. Đa số mọi người dân đều có ý thức cộng đồng, ví dụ như thực hiện đúng luật giao thông, vứt rác đúng nơi quy định, không gây mất trật tự nơi công cộng. Chưa bao giờ chúng ta hiểu rõ về ý thức cộng đồng như những ngày đất nước phải chiến đấu với đại dịch Covid – 19 vừa qua. Từ những người gian dối trong việc khai báo về bệnh dịch đến những người trốn cách ly. Từ những người lợi dụng sự hoang mang của người dân để tăng giá các mặt hàng nhu yếu phẩm đến những người tung tin giả về “giải cứu” sầu riêng, tôm hùm hay việc Hà Nội phun thuốc khử trùng từ trên cao. Hoặc trường hợp bệnh nhân số 17 đi qua ba nước Anh, Ý, Pháp nhưng khi nhập cảnh ở sân bay Nội Bài đã khai báo ý tế gian dối, để rồi kéo theo cả cộng đồng từ những lãnh đạo cấp cao đến người dân phải bước sang một giai đoạn mới. Mỗi ngày qua đi là những ca mắc mới liên tiếp. Tất cả những hành vi trên đều thể hiện sự thiếu ý thức cộng đồng của một số bộ phận người dân.

Đối với mỗi học sinh là thế hệ tương lai của đất nước, với trọng trách xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn thì cần phải có ý thức cộng đồng. Điều đó đến từ những hành động rất nhỏ như quyên góp ủng hộ người nghèo, giữ gìn vệ sinh trường lớp, giúp đỡ bạn bè trong học tập. Hay như trong giai đoạn được nghỉ học vì dịch bệnh, có nhiều em học sinh tuy còn nhỏ nhưng đã làm được những điều thật ý nghĩa. Câu chuyện về một em nhỏ cùng mẹ làm ra những chiếc bánh rồi đem bán. Toàn bộ số tiền đó, em đã mua khẩu trang ủng hộ cho các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dich. Những bức tranh vẽ của các em học sinh về những chiến sĩ công an bộ đội các y bác sĩ với như một lời tri ân. Chỉ với những hành động nhỏ nhưng cũng để lại ý nghĩa to lớn cho xã hội, giống như câu nói của Bác Hồ: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình ”.

Tóm lại, ý thức cộng đồng chỉ có được khi chúng ta chịu buông bỏ cái tôi của bản thân, hòa nhập với mọi người xung quanh bằng lòng nhiệt tình. Và nếu sống có ý thức cộng đồng, mỗi người sẽ trở nên tốt đẹp hơn..

Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi – Mẫu 4

Từ xưa đến nay, chủ quyền dân tộc luôn là vấn đề “nóng” của thế giới. Đặc biệt với dân tộc Việt Nam đã từng gánh chịu hàng nghìn năm dưới ách cai trị của phong kiến phương Bắc hay thực dân Pháp, đế quốc Mỹ thì vấn đề này lại càng trở nên quan trọng hơn.

Đầu tiên, chủ quyền dân tộc được hiểu là quyền làm chủ tuyệt đối của một quốc gia trên lãnh thổ của mình. Mỗi nước có toàn quyền quyết định mọi việc từ kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, văn hóa xã hội mà các quốc gia khác không được xâm phạm lãnh thổ và can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Vì vậy, việc bảo vệ chủ quyền dân tộc là bảo vệ quyền làm chủ, quyền độc lập của dân tộc. Mỗi quốc gia có thể sử dụng toàn bộ lực lượng quân đội an ninh, sử dụng mọi biện pháp để chống lại mọi hành vi xâm phạm phá hoại chủ quyền quốc gia; từ đó giữ gìn toàn vẹn chủ quyền dân tộc đối với lãnh thổ quốc gia.

Khi bàn về vấn đề bảo vệ chủ quyền dân tộc, có ý kiến cho rằng đó chỉ là vấn đề của Đảng và Nhà nước, có ý kiến lại cho rằng đó là vấn đề của thế hệ trẻ – chủ nhân dựng xây đất nước. Cả hai ý kiến này đều đúng nhưng chưa đủ. Vì việc bảo vệ chủ quyền dân tộc là trách nhiệm của người dân Việt Nam chứ không phải của riêng Đảng và Nhà nước hay riêng một thế hệ nào. Mỗi công dân đều phải ý thức trách nhiệm gìn giữ chủ quyền dân tộc giống như một điều tất yếu phải làm.

Lịch sử dân tộc đã chứng minh cho một đất nước Việt Nam với những con người dũng cảm, anh hùng. Hơn bốn nghìn năm Bắc thuộc, đất nước ta chưa kịp chuyển mình đã rơi vào vòng nô lệ của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Dù trong giai đoạn nào, toàn thể nhân dân luôn trên dưới một lòng chống lại kẻ thù để giành lại tự do, độc lập cho dân tộc. Tuy nhiên, cũng có không ít người vì lợi ích cá nhân mà đánh đổi lợi ích quốc gia. Những kẻ bán nước cầu vinh, những phần tử phản cách mạng… Tuy chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng nếu không xử lý và kịp thời khắc phục sẽ gây ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước.

Với học sinh trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia, chúng ta cần nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân. Việc làm quan trọng nhất là cố gắng học tập và rèn luyện tốt để trở thành một chủ nhân giàu tiềm năng kiến thiết đất nước cường thịnh “sáng vai với các cường quốc năm châu”. Đồng thời, mỗi người cũng cần tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện như thăm hỏi gia đình thương binh liệt sĩ, giúp đỡ những bà mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ cho nạn nhân chất độc màu gia cam. Hay các hoạt động thuyết trình về vấn đề nền bảo vệ hòa bình thế giới, chủ quyền biển đảo, quyền lợi dân tộc…

Như vậy, con người cần ý thức được trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của đất nước. Hãy cùng chung tay xây dựng một nền hòa bình, tự do và độc lập trên toàn nhân loại

Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi – Mẫu 5

Hàng triệu lớp thanh niên ưu tú của dân tộc đã xung phong đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tổ quốc cần đến, không ngại hy sinh, gian khổ làm nên những thành tích cách mạng to lớn trong chiến tranh cách mạng bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong hoà bình xây dựng và phát triển đất nước.

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng lớp bụi thời gian không thể phủ mờ những cống hiến, hy sinh của bao thế hệ thanh niên quyết tâm “Ba sẵn sàng” để bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ thanh niên hiện nay đang được sống trong hòa bình và một môi trường đảm bảo cho sự phát triển toàn diện có đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của mình cần phải làm gì cho Tổ quốc đàng hoàng hơn, to đẹp hơn hay không?

Trong mọi thời kỳ, với mỗi quốc gia, thanh niên bao giờ cũng có vai trò hết sức to lớn, họ là sức sống hiện tại và tương lai của dân tộc. Bác Hồ đã chỉ rõ: Một dân tộc muốn hồi sinh, trước hết phải hồi sinh thanh niên, nếu thanh niên không chịu giác ngộ, không đủ nghị lực, không còn sức sống, không được tổ chức lại, chỉ chìm đắm trong rượu cồn và thuốc phiện thì dân tộc có nguy cơ bị diệt vong. Nghị quyết Trung ương 4 (khoá VII) Đảng ta cũng đã khẳng định: Vấn đề thanh niên phải đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước ta bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, phần lớn tuỳ thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng và rèn luyện thế hệ thanh niên.

Năm 2000, năm đầu tiên của thế kỷ XXI, Đảng, Chính phủ đã đồng ý đặt tên là “Năm Thanh niên”, chúng ta đã gửi “Thông điệp Tháng Ba” đến bạn bè trên toàn thế giới. Trong những năm qua, chúng ta đã mở rộng quan hệ bè bạn và hợp tác với hàng trăm tổ chức thanh niên, sinh viên thế giới. Chúng ta đã chủ động đề xuất và tổ chức thành công các hoạt động giao lưu với thanh niên các nước có đường biên giới chung với Việt Nam, tiếp tục củng cố mối quan hệ truyền thống với Đoàn thanh niên Trung Quốc, Lào, Campuchia, Cu Ba, Liên bang Nga; đã tích cực tham gia các hoạt động tại Festival thanh niên, sinh viên thế giới. Vị thế và ảnh hưởng của thanh niên Việt Nam còn được thể hiện ở nhiều cuộc thi thế giới và khu vực về toán học, vật lý, thể thao. Hiện tại, hàng chục vạn lao động Việt Nam mà chủ yếu là thanh niên đang đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế trong nước và thế giới với sự thông minh sáng tạo, đức tính cần cù chăm chỉ trong lao động và nghiên cứu khoa học.

Nếu như trong kháng chiến, phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” và khẩu hiệu “Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ” đã được lịch sử dân tộc ghi nhận, bạn bè thế giới ngợi ca, thì ngày nay, các phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Học vì ngày mai lập nghiệp”, “Thanh niên tình nguyện”, “Hiến máu nhân đạo” đã và đang thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia.

Trong gần 30 năm đổi mới vừa qua, một thế hệ thanh niên mới đã ra đời và từng bước trưởng thành. Có thể nói ít có thời kỳ nào mà tuổi trẻ Việt Nam lại có cơ hội và vai trò to lớn đến thế trong tiến trình đổi mới và hội nhập. Số đông thanh niên là lực lượng đi đầu, thổi bùng lên ngọn lửa tình nguyện vì cộng đồng và không cam chịu đói nghèo. Các mùa hè tình nguyện đã làm xanh nhiều góc phố bộn bề và bản làng xa xôi. Hàng chục ngàn trí thức trẻ tình nguyện lên đường về nông thôn, miền núi. Nhiều chương trình, dự án lớn, đậm chất thanh niên ra đời như: xây dựng các Cung đường Thanh niên xung phong trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại; xoá hàng ngàn cầu khỉ thay thế bằng cầu nông thôn mới ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; tình nguyện đi lập nghiệp tại đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ với những công trình hiện đại như đóng mới tàu cao tốc Bạch Long, xây dựng trạm điện sức gió, xây dựng công viên tuổi trẻ Sông Hồng trên đảo xa, xây dựng các Làng thanh niên lập nghiệp dọc đường Hồ Chí Minh và biên giới…Bên cạnh đội hình Thanh niên xung phong lập nghiệp và hoạt động chủ yếu ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, còn có hàng ngàn doanh nghiệp trẻ đang hăng hái, trăn trở góp phần tạo dựng nên “Thương hiệu Việt” và nhiều bạn trẻ khác đang “khởi nghiệp” bằng chính bàn tay, khối óc dám nghĩ, dám làm và biết làm của mình. Như vậy là phần đông thanh niên thời đại ngày nay vẫn tiếp bước tinh thần “Ba sẵn sàng” của các thế hệ cha anh, tự ý thức được trách nhiệm của mình với đất nước với những đóng góp không nhỏ.

Đảng và Nhà nước ta cũng luôn quan tâm đến thế hệ thanh niên, tạo điều kiện để thanh niên thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình đối với đất nước. Những cơ chế chính sách chủ yếu tập trung đáp ứng các nhu cầu thiết yếu và cơ bản của thanh niên về học tập, sao cho thanh niên Việt Nam không còn tụt hậu so với thanh niên thế giới về khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản lý và hoà nhập nhanh vào kinh tế thị trường, kinh tế tri thức; về định hướng nghề nghiệp và việc làm, sao cho chuyển đổi được nhận thức toàn xã hội không còn coi cánh cổng trường đại học là con đường lập nghiệp duy nhất của thanh niên, để xã hôị ta “giảm thầy tăng thợ giỏi”; về nâng cao trình độ thẩm mỹ, lối sống, thể lực và nâng cao tâm hồn cốt cách cho thanh niên Việt Nam…

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mặt trái của kinh tế thị trường đang làm biến đổi nhiều mặt đời sống xã hội, đã xuất hiện ngày càng gia tăng những lối sống thực dụng, ích kỷ và buông thả, thiếu ý thức rèn luyện, non kém về nhận thức chính trị, chưa xác định được lý tưởng sống đúng đắn, sống thụ động, thờ ơ, ngại tham gia các hoạt động chính trị – xã hội, vi phạm pháp luật, tin vào những điều mê tín dị đoan… trong một bộ phận không nhỏ thanh niên và trong xã hội. Chính vì thế, cần nâng cao vai trò của Đoàn trong việc định hướng tư tưởng và hành động của thanh niên, phát động nhiều chiến dịch thiết thực thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia, giúp thanh niên nâng cao ý thức trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, xứng đáng là thế hệ thanh niên mới tiếp nối truyền thống tự hào của cha anh.

Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi – Mẫu 6

Kính chào thầy cô và các bạn học sinh, tôi tên là…, học sinh lớp… trường… Sau đây, tôi sẽ trình bày ý kiến về vấn đề vai trò của thiên nhiên trong cuộc sống của con người.

Ý thức cộng đồng là gì?

Ý thức vốn là một phạm trù triết học khá trừu tượng và khó hiểu. Nhưng hiểu một cách đơn giản, ý thức là sự nhận thức trực tiếp, tức thời về hoạt động tâm lý của bản thân; sự nhận thức rõ ràng về việc mình đang làm, đang nghĩ. Có hai loại ý thức là ý thức cá nhân và ý thức cộng đồng. Ý thức cá nhân thiên về những suy nghĩ của riêng từng người, phân biệt giữa người này với người khác. Còn ý thức cộng đồng là phần nhận thức về các giá trị chung, theo chuẩn mực đạo đức, mà mọi người có trách nhiệm tuân thủ, hướng đến một xã hội văn minh tốt đẹp. Ý thức cộng đồng chính là thước đo đánh giá đạo đức, phẩm chất của một con người. Người có ý thức cộng đồng cao sẽ gây được thiện cảm cho những người xung quanh thông qua những hành động đẹp, từ đó có được lòng tin và niềm yêu thương của mọi người.

Ý thức cộng đồng của học sinh?

Học sinh cần hạ thấp cái tôi để hòa nhập với tập thể (trường, lớp), cùng nhau xây dựng để phát triển. Hoặc như việc giữ gìn môi trường xanh sạch đẹp, ý thức giữ gìn của công,… Ý thức cộng đồng còn thể hiện ở sự đoàn kết, yêu thương đùm bọc mọi người xung quanh (bạn bè). Tích cực tham gia các hoạt động tri ân, tưởng niệm của các cá nhân tổ chức, đoàn thể dành cho người có công với cách mạng, các vị anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập của dân tộc cũng được gọi là ý thức cộng đồng. Mỗi học sinh cũng cần có lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự tôn dân tộc, lòng yêu chuộng hòa bình, tinh thần hội nhập cũng có thể xem là một phần của ý thức cộng đồng….

Trên đây là phần trình bày của tôi, cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp.

Xem thêm các bài Văn mẫu lớp 8 Kết nối tri thức hay khác:

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống: trách nhiệm của con người đối với nơi mình sinh sống (hay nhất)

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống: giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc thông qua việc tổ chức một lễ hội ở quê em (hay nhất)

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống: học sinh với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (hay nhất)

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống: học sinh với việc xây dựng trường học thân thiện (hay nhất)

Đăng bởi: Trường Tiểu Học Tiên Phương

Chuyên mục: Tài Liệu Học Tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Kênh https://xoilaczzh.tv/ trực tiếp bóng đá